Thông tư số 86/2021/TT-BTC ngày 6/10/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương nêu rõ các khoản thu, chi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Cụ thể, doanh thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Thu từ hoạt động đầu tư; Thu từ hoạt động chuyến nhượng các khoản đầu tư; Thu lãi cho vay vốn, bao gồm cả vốn cho vay theo hình thức hợp vốn; Cho vay hoặc ủy thác cho vay; Thu phí nhận ủy thác theo quyết định của UBND cấp tỉnh hoặc hợp đồng nhận ủy thác ký kết giữa Quỹ với tổ chức, cá nhân ủy thác; Thu phí thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; Thu từ hoạt động nghiệp vụ khác.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Thu lãi tiền gửi; Thu chênh lệch tỷ giá (nếu có); Thu từ hoạt động tài chính khác.
Các thu nhập khác của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản; Thu từ hoạt động cho thuê tài sản; Thu chênh lệch do xử lý tài sản thế chấp, tài sản hình thành từ vổn vay đã thuộc quyền sở hữu của Quỹ khi chủ đầu tư không trả được nợ và giao cho Quỹ để trừ nợ (nếu có); Chênh lệch các khoản thu bảo hiểm đền bù tồn thất tài sản sau khi thực hiện bù đắp tổn thất; thu nợ đã xoá thu hồi được; Thu tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế; Thu các khoản nợ phải trả nay đã mất chủ hoặc không xác định được chủ nợ được ghi tăng thu nhập; Các khoản thu nhập hợp pháp khác.
Bên cạnh các khoản thu, Thông tư số 86/2021/TT-BTC nêu rõ các loại chi phí của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm chi phí hoạt động nghiệp vụ, chi phí tài chính.
Cụ thể, chi phí hoạt động nghiệp vụ gồm: Chi phí liên quan đến hoạt động cho vay (bao gồm các hình thức: trực tiếp cho vay, ủy thác cho vay và hợp vốn cho vay), đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức hợp đồng, thực hiện dự án đầu tư; Chi phí liên quan đến hoạt động ủy thác và nhận ủy thác; Chi phí cho hoạt động huy động vốn cho ngân sách địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh (nếu có); Chi trích lập dự phòng; Chi mua bảo hiểm rủi ro nghiệp vụ và các loại bảo hiểm nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật; Chi bù đắp tổn thất tài sản theo quy định; Các chi phí hoạt động nghiệp vụ khác.
Chi phí tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Chi trả lãi và phí nghiệp vụ phát sinh đối với các khoản vốn huy động; Chi chênh lệch tỷ giá (nếu có); Chi phí tài chính khác.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2021 và áp dụng cho năm tài chính 2021.
Nguồn:www.tapchitaichinh.vn